Thời gian đi, thời gian lại đến. Hương xuân đã về trên khắp mọi miền đất nước. Vẻ bình thản, thong thả thường ngày dần mất đi trong từng giờ trôi qua. Dẫu còn đang tất bật, vội vã với nhiều công việc, dẫu còn đó bao bộn bề lo toan. Nhưng dường như trong tâm hồn ai cũng sáng lên niềm vui mới, theo khúc nhạc mừng xuân đã vang khắp chốn. Chan hòa trong màu xanh của lộc biếc, màu tươi thắm của mai đào, cùng hòa quyện trong hương vị tết lại khiến cho lòng người nôn nao chào đón một năm mới.
Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa sâu sắc linh thiêng. Là ngày lễ tưng bừng nhộn nhịp nhất của cả dân tộc. Là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kì vận hành của đất trời, vạn vật, cỏ cây.
Từ “Tết” trong âm Hán Việt cổ là phiên âm của chữ 節 hay còn đọc là “Tiết”. Cả hai từ Tết và Tiết đều được bắt nguồn từ âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ 節. Ban đầu cả hai từ Tết và Tiết đều được phát âm giống chữ 節 (Tiết) trong tiếng Hán ở thời điểm chúng được tiếng Việt vay mượn. Sau này, sự biến đổi của ngữ âm tiếng Việt hiện đại nên cách phát âm của chúng đã thay đổi thành “Tết” như hiện nay.
Việt Nam là một quốc gia với 54 dân tộc anh em trên cả nước. Tùy vào phong tục, tập quán cũng như văn hóa khác nhau mà mỗi dân tộc sẽ đón tết theo những cách riêng. Nhưng nhìn chung Tết đến cũng là lúc người người, nhà nhà cùng sum vầy, quây quần bên nhau. Dù có ở cách xa đến mấy thì đây cũng là dịp để con cháu trở về thăm ông bà, bố mẹ, là lúc người thân được đoàn tụ để cùng nhau hưởng một cái Tết trọn vẹn và ấm áp nhất.
Tết là để cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Là dịp để bày tỏ tấm lòng của mình với ông bà tổ tiên, vì vậy không thể thiếu đó là mâm ngũ quả, bánh kẹo, bánh chưng, dưa hành, hoa và một mâm cỗ thật đầy đủ để dâng lên bàn thờ. Ngoài hoa ra phải kể đến nữa là hoa đào, hoa mai, khi chỉ cần nhìn thấy chúng nở thôi là đã biết mùa Xuân đang về. Như người xưa thường có câu:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
Trước những ngày Tết, chỉ cách có vài ngày, thì ngày 23 tháng chạp chính là ngày Ông Công và Ông Táo. Trong ngày này người Việt thường dọn dẹp bếp núc sạch sẽ để cúng khi tiễn Ông Công, Ông Táo về trời. Là dịp để hai ông lên thiên đình bẩm tâu với Ngọc Hoàng của cả một năm qua.
Tiếp theo là đi thăm mộ tổ tiên của mình. Đây là một phong tục phổ biến của dân tộc Việt Nam chúng ta khi trước Tết. Đó là thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng với những người đã khuất.
Rồi như không thể thiếu được đó là CÚNG TẤT NIÊN. Là dịp mà tất cả chúng ta làm một mâm cơm đầy đủ và tươm tất, thắp hương mời thần linh và gia tiên về ăn Tết cùng gia đình của mình. Tất niên nghĩa là để giã biệt năm cũ và chào đón một năm mới may mắn hơn, tốt đẹp hơn. Tiếp theo đó là một thời khắc thật thiêng liêng trong mỗi một con người chúng ta đó là ĐÓN GIAO THỪA. Trong khoảnh khắc quan trọng khi đất trời giao hoà, chuyển giao từ năm cũ sang năm mới…
Năm mới tết đến, người Vệt thường có phong tục lì xì đầu năm. Những phong bao lì xì đỏ chói gửi gắm cả một tấm lòng. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.
Tết là hồn quê, hồn Vệt là hồn của cả dân tộc việt nam khi giã biệt năm cũ để bước sang năm mới. Là thời điểm con người cũng như vạn vật khoác lên mình tấm áo mới tinh khôi, trong trẻo tưng bừng chào đón xuân. Mỗi năm tết đến ta lại thêm một tuổi mới, nguồn nhựa sống trong người lại bắt đầu căng tràn chuẩn bị cho một năm mới với những điều bất ngờ sắp đến.
Xếp lòng mình lại, gửi lời chào tạm biệt đến năm 2022- một năm với những buồn vui, thăng trầm, cảm ơn chúng ta vì đã sống một năm thật ý nghĩa và trọn vẹn. Đón chào năm mới, năm 2023- Quý Mão. Cầu chúc cho cho tất cả mọi người một năm mới bình an, hạnh phúc, mọi điều luôn được tốt đẹp như ý nguyện.
HAPPY NEW YEAR